Phần mềm giao việc và quản trị nhân sự Tomaho

Quyết Toán Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Và Những Vấn Đề Cần Lưu Ý Trong Năm 2021

Từ năm 2021 đã có những thay đổi trong quy định quản lý thuế, bài viết sẽ tổng hợp những nội dung đáng chú ý nhằm hỗ trợ các cơ sở kinh doanh các thông tin đầy đủ về quy định quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nộp thuế doanh nghiệp vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của tổ chức đối với Nhà nước. Để hoàn thành quyền và nghĩa vụ tài chính này các cá nhân, tổ chức phải nắm rõ những thông tin cần biết và thực hiện việc quyết toán thuế với cơ quan thuế. Tại đây, TOMEDU sẽ giúp các bạn nắm rõ hơn những thông tin cần biết, đặc biệt là những đổi mới về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021.

  1. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN)

Quyết toán thuế là việc kiểm tra, tập hợp toàn bộ những nội dung công việc đã làm của một cá nhân, tổ chức với một đơn vị nào đó về khối lượng, giá trị, tính đúng đắn, hợp lệ,…

Theo ngôn ngữ chuyên ngành kế toán thì quyết toán thuế là xác định số liệu kế toán của đơn vị, của cá nhân kinh doanh trong một kỳ, một giai đoạn nào đó.

Quyết toán thuế TNDN hay còn gọi là khai quyết toán, đề cập đến việc doanh nghiệp kê khai tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan thuế. Khai quyết toán thuế TNDN bao gồm khai quyết toán thuế năm và khai trong trường hợp có quyết định về việc doanh nghiệp giải thể, chia tách, hợp nhất, sát nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động, khi đó, cơ quan thuế ra quyết định quyết toán đến doanh nghiệp, mục đích chính để truy thu số thuế thu nhập doanh nghiệp.

Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế TNDN bao gồm 3 đặc điểm chính:

    Là sắc thuế thuộc loại thuế trực thu;

    Phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư;

    Thường có thuế suất tỷ lệ.

Vai trò Thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế TNDN là khoản thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Nó là công cụ quan trong của nhà nước trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế, và là một công cụ nhằm thực hiện chính sách công bằng xã hội.

2. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:

– Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế;

– Các loại hình doanh nghiệp;

– Các đơn vị sự nghiệp có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập;

– Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam (cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mang lại thu nhập).

3. Thời hạn/kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Tổng cục Thuế, kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch, trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập là năm 2019 hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản là năm 2021 có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 để hình thành một kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc xác định tổng doanh thu và số thuế được giảm trong trường hợp này chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 (12 tháng). (Căn cứ theo quy định tại Điều 2 nghị định số 114/2020/NĐ-CP của Chính phủ.)

Đối với năm 2021, thời hạn quyết toán thuế sẽ là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (ngày 31/3/2021). Doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch, thời hạn quyết toán thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính theo quyy định của Luật thuế.

4. Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Công thức tính thuế
Công thức tính thuế
Thu nhập tính thuế và chịu thuế
Thu nhập tính thuế và chịu thuế trong kỳ tính thuế

4.1. Doanh thu tính thu nhập chịu thuế

  • Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền hàng quá, gia công, cung ứng dịch vụ, bao gồm cả các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng. Không phân biệt đã và chưa thu được tiền.

Nếu cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế, doanh thu chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Nếu cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng, doanh thu sẽ bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.

  • Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động kinh doanh dịch vụ mà khách hàng trả tiền trước cho nhiều năm.

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế phân bổ cho số năm trả tiền trước. Hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

Trường hợp cơ sở kinh doanh đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, việc xác định số thuế được ưu đãi sẽ căn cứ vào:

Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của số năm trả tiền trước chia/Số năm bên thuê trả tiền trước.

  • Thời điểm xác định doanh thu

Hoạt động bán hàng hoá: là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hoá cho người mua;

Hoạt động cung ứng dịch vụ: là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ. Trong trường hợp thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ xảy ra trước thời điểm dịch vụ hoàn thành, thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế được tính theo thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ.

Hoạt động vận tải hàng không: là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ vận chuyển cho người mua.

Lấy một ví dụ dễ hiểu: Doanh nghiệp A là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Hóa đơn GTGT gồm các chỉ tiêu sau:

Giá bán: 100.000.000 đồng.

Thuế GTGT (10%): 10.000.000 đồng.

Tổng giá thanh toán: 110.000.000 đồng.

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 100.000.000 đồng.

Doanh nghiệp B là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT. Hóa đơn bán hàng chỉ ghi giá bán là 110.000.000 đồng (giá đã có thuế GTGT). Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 110.000.000 đồng.

  • Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp xác định như sau:

(1) Đối với hàng hóa, dịch vụ bán theo phương thức trả góp, trả chậm là tiền bán hàng trả một lần, không bao gồm lãi trả góp, trả chậm;

(2) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu tặng, cho, tiêu dùng nội bộ (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương;

(3) Đối với hoạt động gia công hàng hóa là số tiền thu về;

(4) Đối với hàng hóa bán qua đại lý, ký gửi đúng giá hưởng hoa hồng:

Doanh nghiệp giao hàng là số tiền bán hàng hoá;

Doanh nghiệp làm đại lý, ký gửi là hoa hồng được hưởng.

(5) Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền thuê trả từng kỳ. Nếu bên thuê trả trước nhiều kỳ thì phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

(6) Đối với hoạt động tín dụng, cho thuê tài chính là tiền lãi cho vay, doanh thu về cho thuê tài chính phải thu trong kỳ.

(7) Đối với hoạt động vận tải là toàn bộ doanh thu vận chuyển hành khách, hàng hoá, hành lý.

(8) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, hạng mục công trình hoặc khối lượng công trình nghiệm thu.

(9) Đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng là số tiền thu từ hoạt động này trừ số tiền đã trả thưởng cho khách hàng.

(10) Đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh:

Nếu chia kết quả bằng doanh thu thì là doanh thu chia từng bên;

Nếu chia kết quả bằng sản phẩm thì là doanh thu sản phẩm từ bên;

Nếu chia kết quả bằng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp thì là số tiền hàng hoá dịch vụ;

Nếu chia kết quả bằng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thì cũng là số tiền hàng hoá, dịch vụ.

4.2. Chi phí được trừ

Điều kiện xác định các khoản chi phí được trừ:

– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

– Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

– Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

4.3. Các khoản chi không được trừ

– Khoản chi không liên quan đến sản xuất kinh doanh và không đủ hóa đơn chứng từ, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.

– Khoản tiền phạt do vi phạm hành chính.

– Khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác.

– Phần chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật Việt Nam quy định.

– Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng.

– Phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức.

– Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay; chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;

– Chi khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

– Phần trích khấu hao tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn, ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô); phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng và du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch.

– Khoản trích trước vào chi phí không đúng quy định của pháp luật.

– Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên; doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán khác để trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo qui định của pháp luật;

– Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.

– Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế; thuế giá trị gia tăng đầu vào của tài sản cố định là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vượt mức quy định được khấu trừ; thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ trường hợp doanh nghiệp nộp thay thuế TNDN của nhà thầu nước ngoài theo hợp đồng); thuế thu nhập cá nhân (trừ trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động quy định tiền lương, tiền công trả cho người lao động không bao gồm thuế thu nhập cá nhân).

– Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và làm nhà tình nghĩa cho người nghèo theo quy định của pháp luật (chứng từ là các bảng kê…).

– Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ; phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 triệu đồng/người/năm.

– Phần trích nộp các quỹ bảo hiểm bắt buộc cho người lao động vượt mức quy định; phần trích nộp kinh phí công đoàn cho người lao động vượt mức quy định; phần chi vượt mức 01 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động.

– Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ một số khoản chi theo quy định.

5. Những Nguyên Tắc Trong Quyết Toán Thuế TNDN Cần Chú Trọng

5.1. Rà soát hồ sơ liên quan tới năm quyết toán

Thông thường vào cuối năm theo lịch dương, các chi cục thuế sẽ lên danh sách những doanh nghiệp năm tới thuộc diện cần phải thanh tra, quyết toán thuế. Đối tượng được xem xét trước tiên sẽ là những doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn, không rõ ràng, những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, tiếp đó là những doanh nghiệp lớn, nhỏ. Khi có danh sách chính thức, cơ quan thuế sẽ thông báo cho cơ sở kinh doanh về kế hoạch, nội dung quyết toán khái quát.

Khi nhận được thông tin, các doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ quyết toán theo nội dung kiểm tra của cơ quan thuế. Có 2 trường hợp có thể xảy ra:

– Hồ sơ sai sót và chưa đầy đủ

Trường hợp này bộ phận kế toán doanh nghiệp cần có thêm thời gian để bổ sung và chỉnh sửa những sai sót. Cách thức duy nhất chính là cơ sở kinh doanh hãy trao đổi với đội kiểm tra thuế, xin được rời lịch quyết toán đến khoảng thời gian xác định.

– Nếu hồ sơ ổn, đủ điều kiện tiến hành quyết toán thuế:

Nếu hồ sơ hoàn thiện tốt, hãy hoàn thiện nốt những hồ sơ chứng từ còn thiếu và đóng gói cẩn thận thành từng mục và sẵn sàng tiếp đón đoàn thuế.

Nếu hồ sơ quyết toán thuế đúng pháp luật, việc kiểm tra sẽ nhanh chóng, gọn nhẹ, không tốn quá nhiều thời gian của cả hai bên.

5.2. Cung cấp đầy đủ giấy tờ khi quyết toán

Trong thời gian có đoàn kiểm tra thuế xuống làm việc tại đơn vị, hãy để đoàn làm việc tại một phòng riêng biệt, và không để toàn bộ hồ sơ sổ sách kế toán lưu trữ ở phòng đó. Khi cán bộ thuế yêu cầu có hồ sơ để kiểm tra, thông thường họ sẽ yêu cầu cả bản cứng và bản mềm copy vào USB, hãy tìm lý do để hạn chế nhất việc gửi file mềm cho họ do cán bộ thuế rất dễ kiểm tra và phát hiện ra những sai sót của cơ sở kinh doanh.

5.3. Nộp tiền thuế, tiền phạt khi có biên bản, quyết định phạt cuối cùng

Khi có biên bản, cơ sở kinh doanh cần phải nhanh chóng sắp xếp kế hoạch tài chính để nộp, tránh để cơ quan thuế ra thông báo cưỡng chế nợ thuế gây ảnh hưởng tới sau này.

6. Hình thức xử phạt:

Quy định mức phạt hành chính đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP ban hành năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế như sau:

(1)Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ;

(2) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại mục (1) đã nêu;

(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày;

(4) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

– Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.

(5) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Theo đó, mức phạt trên là mức phạt được áp dụng đối với cơ sở kinh doanh vi phạm. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt đối với cá nhân. Đồng thời, số tiền phạt nếu áp dụng theo quy định trên lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp vi phạm bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại mục (4) nêu trên.

Hình thức xử phạt thuế
Hình thức xử phạt thuế

Đối với các cơ sở kinh doanh có hành vi trốn thuế, gian lận thuế sẽ áp dụng các hình thức xử phạt:

Thứ nhất, yêu cầu nộp đủ số tiền trốn thuế, số tiền thuế gian lận.

Thứ hai, xử phạt theo số lần tính trên số tiền trốn thuế, số tiền thuế gian lận, cụ thể:

Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu không thuộc các trường hợp khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên.

Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn, gian lận đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi như trên, trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.

Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi như trên, trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba nhưng có một tình tiết giảm nhẹ.

Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi như trên, trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.

Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi như trên, trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.

Bài viết tổng hợp đầy đủ thông tin cần lưu ý về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021. Các cơ sở kinh doanh nên và cần nắm rõ những thông tin này nhằm tránh xảy ra những tình huống xấu khi nộp hồ sơ khai thuế và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. TOMEDU sẽ đồng hành giải đáp những thắc mắc của bạn về những vấn đề quản trị doanh nghiệp, quyết toán thuế và những thông tin liên quan.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

On Key

Related Posts